GIỚI THIỆU


Trong những năm gần đây Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử từ cuối 2014 đến tháng 6, 2016, gây ra hiện tượng hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.  Năm 2016 đã có 18 tỉnh của Việt Nam tuyên bố tình trạng thiên tai. Tổng thiệt hại do thiên tai, BĐKH gây ra trong năm 2016 ước khoảng  39.000 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ Đô la (Bộ NN&PTNT, 2016).

Ngành nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 16.3% GDP (2016) và tạo ra khoảng 47% việc làm (FAO, 2016)  nhiều hộ gia đình vẫn dựa vào nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực (WB, 2016a). Diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 35% tổng diện tích của cả nước (FAO, 2016 Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Nước biển dâng và nhiễm mặn ở vùng ven biển, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Năng suất cây trồng (đặc biệt là lúa, ngô, sắn) được dự báo sẽ giảm đáng kể vào năm 2030 và 2050. Theo kịch bản phát thải trung bình (WB, 2010), thì đến năm 2050, sản lượng lúa dự kiến sẽ giảm từ 10-20%. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy việc thiếu các biện pháp thích ứng BĐKH trong nông nghiệp sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam (GDP giảm hơn 2%, giá trị gia tăng trong nông nghiệp thấp hơn 13% so với đường cơ sở vào năm 2050), cũng như giảm thu nhập của nông hộ và các nhóm dễ bị tổn thương ở nông thôn (WB, 2010).

Việt Nam có 7 vùng sinh thái nông nghiệp (Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) với đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng, độ che phủ rừng và địa hình khác nhau (Hà và CS, 2013; WB, 2010). Sản xuất nông nghiệp cũng được đánh giá là nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) đứng thứ 2 tại Việt Nam, sau ngành năng lượng và chiếm khoảng 33,24% tổng lượng phát thải KNK (UNFCCC, 2010). Khoảng 50% lượng phát thải KNK trong nông nghiệp là từ sản xuất lúa (UNFCCC, 2010), điều đó cho thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp trong hành động giảm phát thải KNK quốc gia và toàn cầu.

Các thách thức do BĐKH đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải hành động ngay để tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoạt động sinh kế của từng vùng, địa phương và của quốc gia.

Khái niệm về Nông nghiệp thông minh ứng phó biến đổi khí hậu (CSA) được FAO đưa ra lần đầu vào năm 2010 và xác định CSA là “Bền vững năng suất, tăng cường khả năng chống chịu, giảm phát thải KNK, đảm bảo an ninh lương thực vàphát triển” (FAO, 2010). Ở Việt Nam, người nông dân đã và đang áp dụng các mô hình nông nghiệp bảo tồn (làm đất tối thiểu, tủ đất giữ ẩm, luân canh, xen canh), sử dụng giống cây trồng có khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận, áp dụng hệ thống canh tác truyền thống (VAC, nông lâm kết hợp), hệ thống canh tác tôm-lúa, thủy sản-rừng ngập mặn, SRI v.v đây có thể được coi là CSA.

Trong năm 2016-2017, được sự hỗ trợ của dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) các chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã tiến hành thu thập, đánh giá tổng hợp các thực hành CSA đang được triển khai trên 7 vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp của cả nước, để làm cơ sở cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, xem xét ra quyết định đầu tư phát triển, nhân rộng các thực hành CSA phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và mục đích kinh doanh của mình.

Trang Web này sẽ cung cấp cho các bạn thông tin chi tiết về các thực hành CSA trongcả nước đã được các chuyên gia thẩm định. Khi muốn tiếp cận thông tin bạn có thể tìm kiếm theo vị trí địa lý (vùng, tỉnh, vị trí trên bản đồ), theo lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản hoặc các mô hình nông-lâm-thủy kết hợp) hoặc theo ngành hàng sản xuất mà mình quan tâm (lúa, ngô, cam, cá, tôm, lợn, gia súc v.v.). Khi kích chuột phải vào các thực hành CSA mà mình quan tâm trên bản đồ, người dùng sẽ thấy một đường dẫn đến file thông tin chi tiết về mô hình như thông tin về chủ mô hình, kỹ thuật, hiệu quả trong thích ứng và giảm nhẹ, điều kiện áp dụng v.v..

Ngoài ra, trang web cũng cung cấp một cửa sổ tương tác để mọi người có thể trao đổi chia sẽ các kiến thức, hiểu biết về các thực hành CSA tương tự hoặc CSA khác tại địa phương để ban biên tập tập hợp, thẩm định và cập nhật bổ sung vào kho dữ liệu CSA của bộ NN&PTNT.

Do đây là lần đầu tiên bộ NN&PTNT xây dựng bộ dữ liệu này nên không tránh khỏi thiếu sót, hạn chế, các tác giả rất mong nhận được những góp ý, phản hồi, cung cấp thêm thông tin bổ sung về các thực hành CSA cũng như cấu trúc của trang web để hoàn thiện nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn các nhu cầu của bà con nông dân và doanh nghiệp trong việc lựa chọn đầu tư, ứng phó hiệu quả và chủ động với BĐKH.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc bà con làm ăn phát đạt, hiệu quả và bền vững lâu dài.